Tháng Tư 24, 2024

Hóa đơn điện tử bao gồm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế. Ngoài việc tìm hiểu về thủ tục đăng ký phát hành hóa đơn điện tử, cách lưu trữ và in hóa đơn, mẫu biên bản hủy hóa đơn điện tử,… doanh nghiệp đã biết rõ về hai loại hóa đơn điện tử nêu trên? Đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là gì? Cách lập và gửi hóa đơn điện tử không có mã thực hiện thế nào? Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây để có lời giải đáp cho những vướng mắc trên.

1. Đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử không có mã

Các doanh nghiệp kinh doanh ở các lĩnh vực: điện lực; xăng dầu; bưu chính viễn thông; vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy; nước sạch; tài chính tín dụng; bảo hiểm; y tế; kinh doanh thương mại điện tử; kinh doanh siêu thị; thương mại.

Các doanh nghiệp đã hoặc sẽ thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập hóa đơn điện tử đáp ứng lập, tra cứu hóa đơn điện tử, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định và đảm bảo việc truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế.

Trường hợp đối tượng có rủi ro cao về thuế và trường hợp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì không dùng loại hóa đơn này.

2. Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử không có mã

Doanh nghiệp có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế.

Trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đăng ký sử dụng của doanh nghiệp, cơ quan thuế sẽ gửi thông báo về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc đăng ký sử dụng hóa đơn này qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Nếu cơ quan thuế không chấp nhận thì doanh nghiệp đăng ký sử dụng loại hóa đơn có mã của cơ quan thuế.

3. Lập và gửi hóa đơn điện tử

Sau khi nhận được thông báo chấp nhận của cơ quan thuế, doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Lúc này, doanh nghiệp sử dụng phần mềm lập hóa đơn điện tử để:

– Lập hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

– Ký số trên hóa đơn điện tử.

– Gửi cho người mua bằng phương thức điện tử.

4. Xử lý đối với hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã lập

4.1. Nếu doanh nghiệp đã lập hóa đơn và gửi cho người mua có sai sót (do người bán hoặc người mua phát hiện) thì:

Người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót.

Người bán thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn điện tử đã lập (theo Mẫu số 04).

Người bán lập hóa đơn điện tử mới gửi cho người mua và cơ quan thuế. 

4.2. Nếu sai sót được phát hiện sau khi nhận dữ liệu hóa đơn bởi cơ quan thuế thì:

Cơ quan thuế thông báo cho người bán để người bán tiến hành kiểm tra (theo Mẫu số 05).

Người bán thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn điện tử trong vòng 2 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan thuế.

Người bán lập hóa đơn điện tử mới gửi cho người mua và cơ quan thuế.

Trên đây là một số thông tin cần thiết về hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế. Kế toán và doanh nghiệp nên nắm rõ để có thể chủ động hơn trong công việc và trong quá trình kinh doanh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.